Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam về kết quả chuyến thăm và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức và thăm Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 05-11/7/2017.

 

T

 

 

Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật của thăm chính thức làm việc tại Cộng hoà Liên bang Đức (CHLB Đức) và Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

 

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Nhận lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức làm việc tại CHLB Đức và Vương quốc Hà Lan từ 05-11/7/2017 nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức). Chuyến thăm chính thức làm việc tại Đức và Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công rất tốt đẹp. Đây là chuyến thăm Tây Âu đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Tháp tùng Thủ tướng thăm hai nước có trên 100 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực.

 

 

Tại hai nước, Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc hội đàm, trao đổi với Lãnh đạo cao nhất của Đức và Hà Lan gồm Tổng thống và Thủ tướng Đức, Thủ tướng Hà Lan, Lãnh đạo Quốc hội; làm việc với một số Bộ, ngành kinh tế; dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp; tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu châu Âu; thăm một số địa phương và cơ sở kinh tế, giáo dục-nghiên cứu quan trọng của Đức và Hà Lan.

 

 

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đức rất bận rộn chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh G20, cũng như trên thế giới, tình hình kinh tế có xu hướng bảo hộ vẫn gia tăng, thì việc tổ chức đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tinh thần hết sức trọng thị, hữu nghịvà cũng rất thân tình, đã thể hiện phía Đức và Hà Lan rất quan tâm đến chuyến thăm của Thủ tướng, nhằm làm sâu sắc hơn Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức cũng như Đối tác chiến lược trên các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu-quản lý nước và nông nghiệp bền vững giữa Việt Nam với Hà Lan. Chuyến thăm đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nổi bật sau:

 

 

Thứ nhất, Lãnh đạo cấp cao cả Đức và Hà Lan đều khẳng định, Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Đức và Hà Lan trong ASEAN, đề cao vai trò của Việt Nam với tư cách là nền kinh tế phát triển năng động, có vị thế, vai trò trong ASEAN.

 

 

Thứ hai, bạn cũng nhất trí với chúng ta phải tiếp tục tăng cường trao đổi cấp cao để tạo sự tin cậy, gắn bó giữa hai bên. Hai bên cũng nhấn mạnh quan hệ song phương đã bước vào giai đoạn mới trên cơ sở quan hệ hữu nghị và tin cậy lẫn nhau và cần làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.

 

 

Về kinh tế-thương mại và đầu tư: Đây là trọng tâm của chuyến thăm Đức, Hà Lan lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Phía bạn cũng đặt kỳ vọng nhiều vào Việt Nam. Thể hiện ở việc tất cả các yêu cầu và đề xuất của Việt Nam về việc mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư cũng như hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng đều được bạn đáp ứng ở mức độ rất cao. Ví dụ với Đức, ngoài các cuộc gặp gỡ Lãnh đạo cấp cao Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn trực tiếp gặp Thủ hiến, Thị trưởng của 4 bang lớn của Đức là Berlin, Hessen, Rheinland Pfalz và Hamburg. Các thành phố, các bang đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam nói chung và các địa phương của Việt Nam nói riêng trong các lĩnh vực họ có thế mạnh, ví dụ Hamburg là lĩnh vực cảng biển và hậu cần; với Hessen là giáo dục và đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh…

 

 

Tại Hà Lan, Thủ tướng cũng trực tiếp thăm các bang, các trường đại học, viện nghiên cứu, nhất là trường Đại học và Trung tâm nghiên cứu Wageningen, Viện an toàn thực phẩm RIKILT, một trong những trường Đại học hàng đầu về nông nghiệp trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

 

Thủ tướng thăm thành phố cảng Rotterdam, là cảng biển quan trọng, lớn nhất châu Âu, thăm Trung tâm điều hành cảng quốc tế Rotterdam, hiện cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển, hậu cần, dịch vụ hậu cần. Và điều đặc biệt nổi bật là Thủ tướng đã đi thị sát, bằng trực thăng, tuyến đê biển và các công trình trị thủy nổi tiếng thế giới của Hà Lan cũng như việc quy hoạch đồng bằng của Hà Lan trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kết quả của chuyến thị sát, làm việc này sẽ có tác động rất tích cực đến việc ra quyết sách của Chính phủ trong thời gian tới về các vấn đề ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, chống xâm mặn, xói lở và ngập lụt tại Đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

Hà Lan đã nhất trí đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước (ký năm 2010) và Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (ký năm 2014) thông qua việc phối hợp cập nhật Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, chú trọng quy hoạch và liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chống xâm mặn và xói lở, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bền vững, nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm và nông sản Việt cũng như tăng cường quản lý an toàn thực phẩm.

 

 

Về hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức, Hà Lan, doanh nghiệp hai nước Đức và Hà Lan đều rất quan tâm, muốn tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hợp tác hai bên. Với tinh thần đó, tại cả hai nước trên, ta đã phối hợp với bạn tổ chức rất thành công các diễn đàn, tọa đàm bàn tròn và gặp gỡ doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã chuyển thông điệp về việc Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của đất nước. Điều đó tạo hiệu ứng rất lớn về quan tâm hợp tác kinh doanh, thương mại và đầu tư với Việt Nam, thu hút sự tham gia của trên 600 doanh nghiệp Đức và gần 400 doanh nghiệp Hà Lan.

 

 

Tại các Diễn đàn kinh tế ở cả Đức và Hà Lan, nhiều văn bản, thoả thuận hợp tác đã được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước. Tại Đức, có 36 thỏa thuận về hàng không, đào tạo nguồn nhân lực y tế, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị nhà máy xi măng và tua bin điện gió quy mô nhỏ, hiệu năng cao… với tổng trị giá khoảng 4 tỷ euro, đã được ký kết. Ở Hà Lan, con số văn bản, thoả thuận hợp tác được ký cũng rất nhiều, tập trung vào lĩnh vực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, xây dựng hạ tầng, hợp tác hàng hải và đường thủy nội địa, đóng tàu chuyên dụng, chế biến thức ăn gia súc… Điều đó là tiền đề tốt cho doanh nghiệp hai bên hợp tác cụ thể thời gian tới.

 

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành tháp tùng đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn tài chính, doanh nghiệp hàng đầu châu Âu như: Siemens (thiết bị năng lượng, điện và điện tử), BMW (sản xuất ô tô), Sân bay Munich, Ngân hàng BPCE International, Bayer Helthcare Pharma (dược), Philips Lighting DACH (thiết bị chiếu sáng thông minh), Ngân hàng Deutsch Bank, Damen (đóng tàu), Vamed (dược phẩm và thiết bị y tế), FrieslandCampina (nông nghiệp), East-West Seed (giống cây trồng), Zuellig Pharma (dược phẩm), Vriens & Partners (tư vấn đầu tư)…

 

 

Thứ ba, hợp tác văn hóa và các lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, lao động cũng được các bên quan tâm như tại Đức là vấn đề đào tạo sinh viên cho Việt Nam đối với những ngành chúng ta cần như công nghệ cơ khí, điều dưỡng viên; tại Hà Lan là những lĩnh vực thỏa thuận hợp tác như ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý nước và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch cảng biển, dịch vụ logistic.

 

 

Tóm lại, tôi nghĩ hợp tác kinh tế với Đức và Hà Lan lần này rất có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả cụ thể, trên tinh thần trước đây của Lãnh đạo cấp cao và đặc biệt lần này các doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác rất cụ thể qua các dự án, làm sâu sắc hơn quan hệ hai bên. Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, giao lưu trao đổi văn hóa cũng được cụ thể hóa.

 

 

Nhìn tổng thể chuyến thăm Đức và Hà Lan của Thủ tướng đạt kết quả cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Bạn đón tiếp trọng thị, thân tình và cũng rất thực chất.

 

 

Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa việc mời Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách chủ nhà APEC 2017 và kết quả của những đóng góp của Việt Nam tại G20 có tác động thế nào đối với Năm APEC 2017?

 

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Nhận lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức. Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị Thượng định G20 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế và quản trị toàn cầu. Kết thúc Hội nghị, các nước G20 đã thông qua Tuyên bố chung và nhiều văn kiện.

 

 

Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 lần này cho thấy, vai trò và vị thế của ta đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực. Tại Hội nghị cũng như trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc, Đức và các nước G20 đánh giá cao Việt Nam, ngoài việc Việt Nam là chủ nhà APEC 2017 và có vị thế trong APEC và ASEAN, đồng thời Việt Nam có nền kinh tế, chính trị ổn định, nền kinh tế phát triển năng động và mong muốn Việt Nam đóng góp vào hội nghị.

 

 

Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực vào hội nghị. Trên cương vị Chủ nhà APEC 2017, từ đầu năm, chúng ta đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tổng thể về tham dự các hoạt động của G20 nhằm góp phần nâng cao vị thế, thúc đẩy các ưu tiên và lợi ích của Việt Nam, đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã tích cực tham dự và đóng góp ý kiến tại hầu hết các hội nghị quan trọng của G20 trong năm 2017 như các hội nghị bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, số hóa, lao động, các hội nghị quan chức cao cấp (Sherpa), các cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành và một số diễn đàn quan trọng của G20 như Diễn đàn Phụ nữ G20 (W20), Diễn đàn Kinh doanh G20 (B20)…

 

 

Trong phiên hai, Hội nghị dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bài phát biểu chính. Thủ tướng đã nêu rất cụ thể về phát triển bền vững, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và kế hoạch của Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; chia sẻ những ưu tiên của Việt Nam trong Năm APEC 2017, nhất là về vấn đề thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư không chỉ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà là toàn cầu. Đồng thời, bạn cũng mời Thủ tướng phát biểu tại phiên 4 về số hóa, trao quyền cho phụ nữ và việc làm và Thủ tướng cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Việt Nam cũng như kế hoạch thúc đẩy ưu tiên của APEC 2017, hướng tới tạo việc làm nhiều hơn, phát triển đồng đều, bền vững, không chỉ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà ở trên phạm vi toàn cầu.

 

 

Sự tham gia tích cực và hiệu quả của Đoàn Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam tại Hội nghị. Đặc biệt, Thủ tướng đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét thành lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về khởi nghiệp sáng tạo.

 

 

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, xây dựng Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20. Nhiều ý kiến đóng góp có trách nhiệm và mang tính xây dựng của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế, phối hợp hành động toàn cầu và khu vực trong xử lý các vấn đề chung của kinh tế thế giới, phát triển bền vững, sử dụng bền vững nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Chúng ta cũng phối hợp thúc đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong những vấn đề nghị sự quan trọng của kinh tế toàn cầu như thương mại-đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy cải cách quản trị kinh tế toàn cầu.

 

 

Kết quả của G20 lần này có xu thế chung về thúc đẩy liên kết và tăng cường hợp tác về thương mại và đầu tư của các nước trên thế giới vẫn là chủ đạo. Chính cái đó cũng tác động rất lớn đến chủ đề và các ưu tiên của chúng ta trong năm APEC 2017, tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung. Đồng thời tăng cường liên kết cũng như tự do hóa thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tác động bổ trợ chung cho thế giới.

 

 

Những nội dung chúng ta nêu tại APEC cũng đã được chuyển hóa vào tinh thần Hội nghị G20. Trên tinh thần đó, các đoàn tham dự G20 khi gặp Thủ tướng đều chúc mừng, bày tỏ sự coi trọng vai trò, vị thế cũng như sự tham dự của Việt Nam tại các hội nghị G20, hoan nghênh các ý kiến đóng góp mang tính xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam và mong muốn chúng ta tiếp tục phát huy vai trò chủ nhà APEC 2017 để thúc đẩy chương trình nghị sự APEC và là cơ sở thúc đẩy tự do thương mại và tự do toàn cầu. Đây là yếu tố rất thuận lợi để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế tại các diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là chuẩn bị tốt và tổ chức thành công Năm APEC 2017./.