Sáng nay, chúng tôi bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ và tôi cảm thấy như mình đã bỏ lỡ điều gì đó. Tiếc là chúng tôi đã không có đủ thời gian để đi chuyến tàu Thống Nhất và vì vậy đã bỏ lỡ Huế và Đà Nẵng cũng như chỉ nhìn thấy đèo Hải Vân từ trên cao. Tôi được biết đoàn tàu hòa giải này chạy suốt 1.700 km từ Bắc vào Nam và ôm lấy Biển Đông. Cuộc hành trình xuyên đất nước kéo dài một ngày rưỡi, đi qua các danh lam thắng cảnh, các nền văn hóa và vùng khí hậu khác nhau. Chuyến tàu Thống Nhất đã nối liền đất nước gần nửa thế kỷ nay. Đó là biểu tượng của lịch sử Việt Nam. Thật đáng tiếc khi chúng tôi không có đủ thời gian cho một ngày rưỡi đi tàu trong các chuyến công du như thế này – nhưng có lẽ một trong số các Quý vị đã từng đi chuyến tàu này.

 

Việt Nam ngày nay là sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại. Nhà hát múa rối nước vẫn luôn truyền cảm hứng cho người dân, các bài tập Thái Cực Quyền vào sáng sớm của các cụ già ở Hồ Gươm là một phần của bức tranh thường nhật ở Hà Nội, còn giới trẻ Việt Nam thì phấn khích với tất cả những gì mang tính thời đại và liên quan đến số hóa, các xu hướng TikTok và vũ trụ YouTube. Việt Nam là đất nước của những người tiên phong, của những người mới bắt đầu.

 

Thế Dũng, một nhà thơ Việt Nam ở Berlin, đã rất có lý khi viết về phương châm của đất nước Quý vị như sau: “Cuộc sống là luôn trỗi dậy, không ngừng, bất chấp mọi đớn đau”. Và tôi hoàn toàn đồng ý với nhà thơ ở điểm này. Tôi đã đến đây một số lần và nghĩ rằng: Đúng là mọi người có thể chứng kiến đất nước này luôn trỗi dậy…

 

Đối với người Đức chúng tôi, Việt Nam là điểm tựa trong khu vực và chúng tôi rất quan tâm đến việc trao đổi chặt chẽ giữa hai bên. Điều này được thể hiện qua con số ấn tượng các chuyến thăm và các cuộc gặp song phương trong vòng một năm rưỡi vừa qua: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã tới Berlin vào mùa thu năm 2022, Thủ tướng Đức đã có mặt tại Hà Nội ngay sau đó và hi vọng Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ sớm sang thăm Đức; có thể là nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm 2025.

 

Hai nước chúng ta cách nhau gần 10.000 km. Nhưng mối quan hệ thì gần nhau hơn nhiều. Đặc biệt là trong thời điểm xảy ra các cuộc khủng hoảng quốc tế, các bên với cùng quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại tự do và an toàn chuỗi cung ứng đang xích lại gần nhau hơn. Trong đó có Đức và Việt Nam cũng như EU và ASEAN.

 

Đức và Việt Nam đều là các quốc gia xuất khẩu và vì vậy chúng ta phải đối mặt với các thách thức giống nhau. Phần lớn những điều tưởng chừng như chắc chắn cách đây mười hay hai mươi năm thì giờ đây đang bị đặt dấu hỏi. Tôi muốn làm rõ điều này ở ba điểm:

 

Thứ nhất: Vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới đã thay đổi. Việt Nam đã rất vui mừng khi gia nhập WTO vào tháng 1 năm 2007. Tuy nhiên, ngày nay, WTO là biểu tượng của các thể chế đa phương đang gặp khủng hoảng vì cộng đồng toàn cầu ngày càng khó tìm được mẫu số chung cho các vấn đề quan trọng của toàn cầu hóa và cân bằng lợi ích của các thành viên. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam và Đức, hai nước hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống thương mại thế giới mở, sẽ đạt được thành công trong việc thúc đẩy cải cách WTO và vận động cho sự kết nối, thương mại và hợp tác trên toàn thế giới.

 

Thách thức thứ hai chính là sự cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Rõ ràng là không thể không có Mỹ hoặc không có Trung Quốc. Điều quan trọng là tương lai không bị chi phối bởi cuộc xung đột giữa hai cường quốc này mà thay vào đó phải được định hình bằng các quy tắc công bằng và hợp tác trên cơ sở bình đẳng. Chúng ta, với tư cách là những đối tác tự tin, những “cường quốc tầm trung”, như cách mà Đức và Việt Nam đôi khi vẫn được gọi, có thể và phải góp phần mình vào việc này. Một mặt, chúng ta nên củng cố trật tự thế giới, luật pháp và các quy tắc ở bất cứ nơi nào có thể. Mặt khác, chúng ta nên định vị bản thân một cách khôn ngoan: Chúng ta cần củng cố các mối quan hệ đối tác hiện có và xây dựng các mối quan hệ mới. Chúng ta cần tránh sự phụ thuộc một chiều, cần đa dạng hóa các mối quan hệ chính trị và chuỗi cung ứng của mình. Điều mà chúng ta gọi là “giảm rủi ro” không có nghĩa là: né tránh mà là: định vị rộng hơn và an toàn hơn! Điều đó có nghĩa là không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ. Ấn tượng của tôi là: Đông Nam Á đặc biệt ghi tâm sự thông thái này.

 

Thay đổi thứ ba mà chúng ta đang cùng nhau đối mặt là một xu hướng đáng lo ngại, có thể quan sát thấy ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nơi được gọi là “phương Tây”: Xu hướng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương dân tộc. Tôi nghĩ rằng: Chúng ta, Việt Nam và Đức, là một ví dụ điển hình cho thấy điều ngược lại mới dẫn đến thành công! Chúng ta chọn kết nối – thay vì cô lập. Chúng ta chọn tăng cường thay vì cắt giảm hợp tác. Và ở nơi nào không thực hiện được trên quy mô toàn cầu thì chúng ta cần tăng cường hơn nữa trên phạm vi khu vực! Hiệp định Thương mại tự do của Liên minh châu Âu với Việt Nam là một dấu hiệu khích lệ. Và Cộng đồng ASEAN cũng là điển hình cho cách tiếp cận mang tính khu vực này: Một cộng đồng tự tin với các quốc gia mới nổi muốn tự mình làm chủ các thách thức kinh tế, khu vực và an ninh. Chúng tôi tôn trọng nguyên tắc cốt lõi “Tính trung tâm của ASEAN” cũng như quan điểm không để bị kéo theo phe nào trong thời kỳ phân cực địa chính trị. Cá nhân tôi rất coi trọng cộng đồng ASEAN. Đây là chuyến công du thứ tư của tôi tại các nước ASEAN trong một năm rưỡi qua – tối nay tôi sẽ rời đi Thái Lan, cũng là một quốc gia thành viên của ASEAN.

 

Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong cộng đồng ASEAN và cũng hoạt động rất tích cực tại Liên hợp quốc. Việt Nam cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Người Đức chúng tôi ủng hộ những nỗ lực quốc tế của đất nước Quý vị – một đất nước đang trỗi dậy. Chúng tôi nhận định việc Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ năm 2023 đến năm 2025 là một cam kết đối với sự phát triển của xã hội dân sự và bảo đảm quyền con người. Một điều rõ ràng là: Hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta không giống nhau, ngoài những gì kết nối Việt Nam và Đức còn có một số điểm khác biệt gây cản trở sự hợp tác của chúng ta hay khiến chúng ta lo lắng như trong vấn đề tự do báo chí và tự do ngôn luận. Tất cả các chủ đề này đóng vai trò quan trọng trong các cuộc trao đổi của tôi ngày hôm qua tại Hà Nội và tôi thấy rằng, việc chúng ta có thể đề cập đến những vấn đề này trong sự tôn trọng lẫn nhau cho thấy mối quan hệ đối tác của chúng ta bền chặt như thế nào.

 

Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, chúng ta có nhiều mối quan tâm giống nhau: Hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong việc chuyển đổi từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi bền vững cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam. Ngoài quan hệ đối tác quốc tế Chuyển đổi năng lượng công bằng, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ song phương cho Việt Nam nhằm thực hiện các nhiệm vụ này.

 

Đối với chúng tôi, thước đo cho mối quan hệ hợp tác tin cậy và sự tin tưởng lẫn nhau là việc tuân thủ các quy tắc chung. Điều này cũng được áp dụng trong lĩnh vực chính sách an ninh. Tương tự như Việt Nam, Đức cũng ủng hộ vai trò và việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS ở Biển Đông. Chúng tôi nỗ lực vì một trật tự đáng tin cậy và dựa trên luật lệ. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn được ủng hộ khi các quy tắc ở các khu vực khác trên thế giới bị vi phạm trắng trợn – chẳng hạn như cuộc xâm lược vi phạm luật pháp quốc tế của Nga ở Ukraine. Nếu hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy được chấp nhận một cách dễ dàng và nếu hành vi đó có lợi cho kẻ xâm lược thì đó sẽ là một tín hiệu bi kịch không chỉ đối với Châu Âu mà với toàn thế giới trong đó có Châu Á. Chính vì vậy, đất nước tôi vẫn đang sát cánh cùng Ukraine và vẫn sẽ luôn như vậy.

 

Ngày hôm nay, tôi đã đề cập nhiều đến mối quan hệ đối tác của chúng ta – nhưng tựu trung lại, không có gì tượng trưng cho điều này tốt hơn những con người gắn kết hai đất nước. Lịch sử và nhiều câu chuyện về cuộc di cư Việt – Đức – là huyết mạch trong mối quan hệ hợp tác của chúng ta. Chính những con người này đã tạo nên bộ mặt cho mối quan hệ Đức – Việt thân thiết gần 50 năm qua.

 

Đó chính là những mối quan hệ mà chúng tôi muốn tiếp tục dựng xây và chúng tôi muốn mời nhiều lao động có tay nghề hơn nữa đến đất nước chúng tôi. Hơn 200.000 Việt Kiều hiện đang sinh sống tại Đức. Và có thể một ngày nào, một trong số các bạn ngồi đây cũng sẽ muốn sang Đức. Nếu bạn đang suy nghĩ về điều đó thì Đại học Việt Đức chính là nơi dành cho bạn! Đây là một dự án hải đăng trong mối quan hệ khăng khít giữa hai nước chúng ta. Và tôi xin cảm ơn tất cả những người đã biến dự án này thành hiện thực! Trong đó trước tiên phải kế đến ông, Giáo sư Thiele thân mến! Bây giờ ông đã chính thức là Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức và tôi tin chắc rằng ông sẽ đảm nhận nhiệm vụ này với tất cả niềm đam mê của mình. Tôi xin chúc ông mọi điều tốt lành và nhiều thành công!

 

Quý vị đều biết: Tàu Thống Nhất từng được mệnh danh là “xương sống của đất nước” bởi tuyến đường dọc bờ biển từ Bắc vào Nam. Và cũng bởi nó kết nối hai miền đất nước Việt Nam đã được thống nhất khi đó.

 

Tôi tin rằng “xương sống của đất nước” ngày nay chính là con người. Đặc biệt là những bạn trẻ như các bạn tại đây. Tương lai thuộc về các bạn, đất nước thuộc về các bạn!

 

Xin cảm ơn!

 

Nguồn: Các cơ quan đại diện CHLB Đức tại Việt Nam240125-rede-bp-steinmeier-bei-vgu