Sáng 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn ‘Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam’. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn. Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal, tầm quan trọng của chứng nhận Halal và các biện pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông – châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ. Thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo là 1.400 tỷ USD vào năm 2020; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050. “Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và các chế phẩm từ nông nghiệp như Việt Nam” Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… Hơn nữa, Việt Nam có những lợi thế quan trọng, nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

 

Thứ trưởng Thường trực cho rằng, (i) Lợi thế thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, là một thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam; (ii) Lợi thế thứ hai, đối với khu vực Trung Đông – Châu Phi (tập trung khoảng 30% dân số Hồi giáo), Việt Nam đang tích cực triển khai đề án phát triển quan hệ với các nước trong khu vực giai đoạn 2016-2025, trong đó có việc thực hiện các Tuyên bố cấp cao của Việt Nam với một số đối tác quan trọng về hợp tác, thúc đẩy xuất, nhập khẩu và chứng nhận các sản phẩm Halal; (iii) Thứ ba, sau 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, nằm ở giao điểm của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường, kể cả các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm Halal.

 

Tuy rất tiềm năng, nhưng  sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal đến nay còn hạn chế.

 

Tại phiên ba của Diễn đàn, trong phát biểu của mình, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cho biết Đức có trên 6 triệu người theo đạo hồi sinh sống, gần 50% trong số đó là người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, còn có số lượng lớn người gốc Syria và Afghanistan. Cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, với hơn 60 năm hội nhập và sinh sống tại Đức, có hệ thống phân phối các mặt hàng Halal tại khắp 16 bang của Đức và là những người bạn thân thiết của cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Đây là cơ sở rất quan trọng để giúp cho mặt hàng Halal của Việt Nam có cơ hội thâm nhập được vào thị trường Đức, vốn là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Việc các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam tương thích và có thể đạt được chứng chỉ Halal sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên thời gian tới đây nếu Việt Nam tiếp cận thị trường một cách phù hợp.

 

Đại sứ Nguyễn Minh Vũ tin tưởng việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) được đi vào thực thi cũng như việc Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đang chờ thông qua chắc chắn sẽ mở ra những triển vọng tươi sáng hơn nữa về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU nói chung và đặc biệt là với Đức. Điều này không chỉ giúp cho các sản phẩm xuất khẩu có thể mạnh của Việt Nam xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Đức, mà còn có thể đem lại cơ hội cho các sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm lương thực đạt chứng chỉ Halal như thịt gà, bò, cừu, sữa tươi, hoa quả tươi, các loại hạt, dầu ăn v.v… khai phá thị trường còn rất tiềm năng này.

 

 

Sự kiện thu hút tham gia đông đảo của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực, ngoại giao đoàn, đại diện Bộ, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế… thể hiện sự quan tâm và nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như quyết tâm của các Bộ, ban, ngành và địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nói chung và thực phẩm Halal nói riêng, trên phạm vi toàn cầu.