Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ đã có bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Diplomatisches Magazin số ra tháng 10/2019, với nội dung xoay quanh quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Đức, sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam, dự án VinFast, Chiến lược Tăng trưởng Xanh… 

 

Nội dung bài phỏng vấn bằng tiếng Đức xem tại đây :

 

Bản dịch của Báo Thế giới và Việt Nam:

 

“Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” là một câu tục ngữ Việt Nam. Đây là một minh chứng sống động cho nền kinh tế năng động của Việt Nam, khi quốc gia này sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Bên cạnh đó, việc Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được ký kết vào tháng 6 đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thịnh vượng của hai nước…

 

Xin Đại sứ đánh giá về quan hệ Việt Nam và Đức hiện nay?

 

Cuối tháng 12/2018, tôi lên đường nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Việt Nam tại Đức, trình Thư ủy nhiệm lên Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier vào cuối tháng 2/2019 và hầu như không có  tuần nào rảnh rỗi kể từ đó. Lịch trình của tôi luôn dày đặc các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các tổ chức xã hội, phái đoàn kinh tế đến thăm, làm việc và thảo luận về hợp tác trên nhiều vấn đề và lĩnh vực với phía Đức.

 

Bằng chứng sáng rõ cho sự phát triển của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Đức là việc trao đổi các chuyến thăm giữa hai nước đang diễn ra thường xuyên, ở nhiều cấp độ và trong các lĩnh vực khác nhau. Riêng nửa đầu năm 2019, rất nhiều lãnh đạo Việt Nam đã đến thăm Đức, trong đó phải kể đến chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

 

Về phía Đức, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier và ông Bodo Ramelow, Thủ hiến bang Thüringen cũng đã đến thăm Việt Nam. Trong các chuyến thăm này, việc ký kết các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ đã thiết lập khuôn khổ nhằm tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học và công nghệ, lao động…

 

Thêm vào đó, các cuộc đối thoại và tham vấn thường xuyên trong các vấn đề đối ngoại, an ninh – quốc phòng, kinh tế, quyền tài phán và hợp tác phát triển giữa hai nước đã được tăng cường, góp phần làm cho quan hệ song phương trở nên hiệu quả và có ý nghĩa hơn. Hai bên đã thảo luận các biện pháp đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm đổi mới sáng tạo và công nghệ kỹ thuật số, làm trọng tâm mới của hợp tác Việt-Đức trong thời gian tới.

 

Về hợp tác đa phương, Việt Nam và Đức luôn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN – EU và ASEM. Dù phải đối mặt với không ít thách thức, song cả Việt Nam và Đức vẫn cam kết ủng hộ hệ thống thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đó là những yếu tố quan trọng giúp củng cố quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực hơn và thực chất hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định ở cả hai châu lục và trên thế giới.

 

Việt Nam và Đức sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Dự kiến, hai nước sẽ tổ chức những sự kiện gì nhân dịp này, thưa Đại sứ?

 

Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/9/1975. Hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm sự kiện này vào năm 2020. Năm 2020 cũng là một cột mốc quan trọng đối với cả hai nước, bởi Việt Nam sẽ kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, còn Đức sẽ kỷ niệm 30 năm Ngày thống nhất nước Đức. Không chỉ vậy, cả Việt Nam và Đức đều sẽ đảm nhận những vị trí quan trọng tại các diễn đàn đa phương, bao gồm là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch EU 2020. Cộng đồng người Việt ở Đức cũng sẽ kỷ niệm 45 năm hội nhập vào nước sở tại. Nhiều hoạt động kỷ niệm dự kiến sẽ được tổ chức ở cả hai nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã trao đổi về các sự kiện này với một số cơ quan chức trách như Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức và một số cơ quan khác, Hội Hữu nghị Đức-Việt Nam và đại diện cộng đồng Việt Nam tại Đức. Trong năm tới, chúng tôi dự định tổ chức các sự kiện kỷ niệm ở nhiều địa điểm dưới nhiều hình thức phong phú để phản ánh quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Đức, từ cuộc thi hát, giải đấu thể thao, trao đổi chuyến thăm, triển lãm tranh, liên hoan phim, hội thảo…

 

Với kế hoạch này, chúng tôi muốn giới thiệu với những người bạn Đức vẻ đẹp của đất nước, con người và lịch sử Việt Nam, cũng như quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam – Đức, qua đó tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, đưa hai dân tộc xích lại gần nhau hơn.

 

Đại sứ có thể chia sẻ thêm về Ngôi nhà Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh được không?

 

Trước khi rời Việt Nam để lên đường sang Đức nhận nhiệm vụ, tôi đã có cơ hội đến thăm Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là tòa nhà cao 25 tầng sở hữu lối kiến trúc hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tiện ích tối ưu và nằm ở vị trí rất thuận tiện. Ngôi nhà Đức đã nhận được không ít giải thưởng về thiết kế tại Việt Nam và Đông Nam Á. Đây sẽ là nơi đặt trụ sở của các cơ quan đại diện và các công ty nổi tiếng thế giới như Lãnh sự quán Đức, AHK, Adidas, Apple… Có thể thấy, Ngôi nhà Đức là dự án nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước Đức để mang lại lợi ích cho nhà nước và doanh nghiệp Đức, cũng như thể hiển một hình ảnh tích cực của Đức tại Việt Nam.

 

Ngôi nhà Đức là một dự án thí điểm trong quan hệ song phương, đồng thời là biểu tượng của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Đức.

 

Khi nhắc đến ô tô, mọi người thường không nghĩ ngay đến Việt Nam. Dự án “VinFast” nhằm mục đích thay đổi điều đó trong tương lai. Đại sứ vui lòng cho biết thêm thông tin về dự án này được không?

 

VinFast ra đời xuất phát từ mong muốn xây dựng một thương hiệu ô tô Việt Nam mang đẳng cấp thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất ô tô trở thành ngành mũi nhọn hàng đầu Việt Nam. Sau gần hai năm, VinFast đã hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt các nhà máy, đồng thời ra mắt và đưa vào sử dụng những chiếc xe đầu tiên. Với công suất thiết kế 250.000 xe mỗi năm trong giai đoạn 1 và 500.000 xe mỗi năm trong giai đoạn 2, VinFast đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

 

Tập đoàn này cũng đang đi đầu trong nghiên cứu và phát triển các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, như ô tô điện và xe máy điện thông minh, với mục đích giảm đáng kể lượng khí thải và tiếng ồn cho môi trường.

 

Không chỉ vậy, VinFast đang tiến hành hợp tác với Đức trên nhiều phương diện. Ngay từ những bước đi đầu tiên, VinFast đã hợp tác với một số đối tác từ Đức như SCHULER, FFT, EBZ, Dürr, GROB, MAG, AVL hay Eisenmann trong khâu thiết kế và lắp đặt các nhà máy. Động cơ xe – bộ phận được mệnh danh là trái tim của những chiếc xe VinFast, đã thể hiện tinh thần Đức khi được xây dựng dựa trên công nghệ hiện đại của BMW.

 

Hiện tại, VinFast đang hợp tác chặt chẽ với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chương trình đào tạo kết hợp lý thuyết với thực hành. Trong tương lai, một trung tâm đào tạo, phát triển trong hợp tác với AHK sẽ trở thành nguồn cung cấp nhân lực lớn nhất cho sản xuất trong kỷ nguyên công nghệ 4.0 ở khu vực Đông Nam Á.

 

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, từng nói rằng: “Bất chấp bối cảnh toàn cầu đầy thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt được sự phát triển mạnh mẽ với lạm phát trung bình và tỷ giá hối đoái tương đối ổn định”. Theo Đại sứ, điều gì đã tạo nên sự phát triển tích cực này?

 

Trước tiên, tôi cho rằng, lý do chính cho sự thành công của kinh tế Việt Nam những năm qua là việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng đúng đắn, bằng việc nâng cao môi trường kinh doanh rất hiệu quả, đồng thời tích cực thúc đẩy vai trò của phát triển. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện một cách rõ rệt. Cộng đồng doanh nghiệp hưởng lợi từ việc cải cách như cắt giảm điều kiện đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh doanh.

 

Thứ hai, sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam được khai thác một cách hiệu quả. Khu vực tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, hiện chiếm cơ cấu lớn nhất trong nền kinh tế (40%) và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo đổi mới ở Việt Nam đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế bằng việc huy động nguồn vốn và phát huy khả năng của những người trẻ được đào tạo bài bản và tinh thông công nghệ.

 

Cùng với đó, việc đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và nâng cao hệ thống hành chính công đã giúp ích cho việc sử dụng các nguồn lực kinh tế. Thu nhập thực tế được tăng lên nhờ vào nền kinh tế thịnh vượng hơn, và cơ cấu dân số lý tưởng hiện nay giúp thúc đẩy nhu cầu và tiêu dùng trong nước.

 

Thứ ba, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế. Sau hơn 30 năm Đổi mới và 12 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Hiện Việt Nam gia nhập 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, bao gồm các FTA chất lượng cao, thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao trong nhiều lĩnh vực. Những FTA này cung cấp thêm động lực cho phát triển kinh tế và tạo cơ hội thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

 

Ngoài ra, Việt Nam luôn duy trì sự ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô. Các thể chế pháp lý và sự minh bạch thường xuyên được nâng cao, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp triển khai kế hoạch kinh doanh dài hạn, tham gia vào chuỗi giá trị ở khu vực và trên toàn cầu.

 

Việt Nam có đang hưởng lợi từ xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không, thưa Đại sứ?

 

Xung đột thương mại Mỹ – Trung là vấn đề quan ngại đối với toàn thể cộng đồng quốc tế bởi nó ảnh hưởng sâu sắc đến thương mại toàn cầu và sự ổn định của kinh tế thế giới. Điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam, vì chúng tôi là một trong các quốc gia có mức độ hội nhập cao nhất với kinh tế thế giới. Có thể trong ngắn hạn, Việt Nam có những lợi thế nhất định nhờ vào sự thay đổi dòng chảy thương mại và đầu tư, và Việt Nam cần tranh thủ những cơ hội này để nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong dài hạn, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột thương mại Mỹ – Trung.

 

Từ những ngày đầu khi hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn ủng hộ và tích cực tham gia xây dựng một hệ thống thương mại quốc tế cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ. Vì vậy, Việt Nam mong muốn Trung Quốc và Mỹ có thể sớm giải quyết xung đột thông qua đối thoại và đàm phán trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và thấu hiểu lẫn nhau, phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc của WTO.

 

Cuối tháng 6 vừa qua, thỏa thuận tự do thương mại và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU đã được ký kết. Đâu là những nội dung chính của thỏa thuận này?

 

iệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVFTA và EVIPA) được chính thức ký kết tại Hà Nội sau 9 năm đàm phán. Đây được xem là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, được kỳ vọng mở ra những cơ hội chưa từng có cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động ở Việt Nam và châu Âu.

 

EVFTA tạo điều kiện cho việc dỡ bỏ gần như hoàn toàn hàng rào thuế quan. Theo đó, 65% các khoản thuế đối với hàng xuất khẩu EU sang Việt Nam sẽ được xóa bỏ, trong khi các khoản thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ trong vòng 10 năm. Tương tự, 71% các khoản thuế đối với hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được gỡ bỏ, các khoản thuế còn lại sẽ dần được gỡ bỏ trong 7 năm tới.WTO và EU đánh giá đây là FTA “thế hệ mới, toàn diện, chất lượng”, kết nối thương mại và đầu tư với “các tiêu chuẩn xã hội, lao động, môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm”. Đây cũng là thỏa thuận thương mại và đầu tư đầu tiên mà EU ký kết với một quốc gia có thu nhập trung bình.

 

Về hàng rào phi thuế quan, Việt Nam sẽ tuân thủ chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn quốc tế về xe ô tô và dược phẩm. Như vậy, sản phẩm của EU sẽ không phải trải qua quy trình kiểm tra và chứng nhận của Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa thủ tục hải quan.

 

Các doanh nghiệp của EU sẽ có thể cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam trong việc đấu thầu các dự án của chính phủ, và ngược lại. Đối với thương mại trong dịch vụ đầu tư, EU và Việt Nam cam kết tạo một môi trường đầu tư cởi mở và thuận lợi cho doanh nghiệp của cả hai bên. EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp EU hoạt động trong thị trường dịch vụ của Việt Nam, bao gồm bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, môi trường và các lĩnh vực khác. Ngành công nghiệp sản xuất chế tạo của Việt Nam như thực phẩm, lốp xe, vật liệu xây dựng sẽ mở cửa cho đầu tư từ châu Âu.

 

Theo EVIPA, Việt Nam và EU cam kết làm hài hòa nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc đối với các bên khác, với một số bảo lưu. Hai bên cam kết cung cấp sự bảo hộ công bằng, đầy đủ, an toàn và tương xứng, để cho phép sự chuyển dịch tự do dòng vốn và lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài, để hạn chế sự sung công và quốc hữu hóa các tài sản của nhà đầu tư nước ngoài mà không có bồi thường xứng đáng,…

 

Chiến lược Tăng trưởng Xanh Việt Nam được thông qua từ năm 2012. Mục tiêu của chiến lược này là gì, thưa Đại sứ?

 

Là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định phát triển xanh là cách duy nhất để chuẩn bị cho đất nước khi bước đến tương lai. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê chuẩn Chiến lược Tăng trưởng Xanh với mục tiêu thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, giảm thiểu khí thải nhà kính thông qua việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực toàn diện của nền kinh tế, đối phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

 

Chiến lược đặt ra 3 mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, thúc đẩy “sản xuất xanh” thông qua việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực và công nghệ mới. Mục tiêu này nhằm tạo điều kiện cho sản xuất bền vững cũng như các doanh nghiệp xanh hiện có, đồng thời tạo ra các doanh nghiệp xanh mới. Thứ hai, giảm khí thải nhà kính từ 8-10% so với mức khí thải năm 2010, và giảm việc tiêu thụ năng lượng mỗi đơn vị GDP từ 1-1,5% mỗi năm. Thứ ba, khuyến khích lối sống xanh và thúc đẩy việc tiêu dùng bền vững.

 

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức, nhưng Chiến lược Tăng trưởng Xanh cho thấy cam kết hoàn toàn của chúng tôi trong việc chung tay với cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây là cơ hội để chúng tôi nâng cao phúc lợi của người dân thông qua thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới bền vững và cải thiện sự cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

 

Photos: Mohamed El Sauaf