Theo thống kê của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), trong ba nạn nhân bị mua bán thì có một nạn nhân là trẻ em. Trẻ em cũng dễ rơi vào tình trạng bị bạo lực trong quá trình bị mua bán (nguy cơ cao gấp hai lần người trưởng thành).
Trẻ em là đối tượng của các hình thức mua bán người khác nhau như bóc lột trong lao động cưỡng bức, bị ép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, bị mua bán nhằm mục đích làm con nuôi, bị mua bán nhằm mục đích lạm dụng và bóc lột tình dục, bao gồm trên môi trường mạng. Sự phát triển của các nền tảng số đang làm tăng nguy hiểm đối với người dùng là trẻ em khi tội phạm mua bán người sử dụng nền tảng số, mạng xã hội, trang web đen để tuyển mộ và lạm dụng trẻ em, che dấu hoạt động bằng các công nghệ tinh vi.
Phòng chống mua bán người luôn là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách của Chính phủ Việt Nam. Với các giải pháp toàn diện và tổng thể, công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam đã và đang được tăng cường hiệu quả trên các lĩnh vực như: phòng ngừa mua bán người thông qua triển khai các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm , bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, kịp thời làm rõ những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm; hoàn thiện chính sách, pháp luật; đẩy mạnh phát hiện, xác định, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; nâng cao phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người…
Để cùng chung tay phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trẻ em, hãy cùng nâng cao hiểu biết, nhận thức về thủ đoạn của tội phạm mua bán người, những nguy cơ bị mua bán đối với trẻ em và tham gia giáo dục, nhắc nhở những người xung quanh thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, bao gồm hình thức mua bán người nhằm mục đích ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đang nổi cộm hiện nay.
Khi nghi ngờ bản thân hoặc người khác, đặc biệt là trẻ em có dấu hiệu bị mua bán, bạn hãy nhanh chóng trực tiếp liên hệ với cơ quan chức năng (số điện thoại đường dây nóng trực Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức: +49 15221335656; Tổng đài Bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84; số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát Đức: 110) hoặc nhờ người thân liên hệ với đường dây nóng để được trợ giúp kịp thời.
Hãy cùng hợp tác chặt chẽ, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người!