Sáng ngày 30/4/2020, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á – Thái Bình Dương (OAV) đã tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến (Webinar) với chủ đề “Các tác động của đại dịch Covid-19 đối với cộng đồng doanh nghiệp Đức – Châu Á”, thu hút sự tham gia của rất nhiều các Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao tại Berlin, các doanh nghiệp quan tâm với hơn 180 người tham gia trực tuyến.

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch OAV, ông Hans-Georg Frey nhấn mạnh thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra làm thay đổi nhiều mặt đời sống, trong đó cả các phương thức nhóm họp và tọa đàm của các quốc gia, nhấn mạnh tọa đàm trực tuyến là dịp để các bên tham luận có thể chia sẻ kinh nghiệm đối phó dịch bệnh tại các quốc gia, các biện pháp Chính phủ các nước đã triển khai nhằm khôi phục nền kinh tế và an sinh xã hội và dự liệu các tác động đối với cộng đồng doanh nghiệp.

 

Tại tọa đàm, một số Đại sứ của Singapore, Úc, Philippines và các thành viên của OAV như Giáo sư Đại học kỹ thuật Münich, cựu Chủ tịch Tập đoàn Bauer AG, ông Thomas Bauer, Giáo sư Axel Stepken, kiêm Chủ tịch Tập đoàn TÜV SÜD AG đã nêu bật tình hình chống dịch tại mỗi quốc gia, nhấn mạnh tác động của đại dịch đối với các hoạt động của doanh nghiệp Đức tại châu Á là khó tránh khỏi và chưa thể định lượng được hết. Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng những hệ lụy nhãn tiền các quốc gia đều có thể cảm nhận được chính là: (i) sự sụt giảm trong tổng cầu, dẫn đến nguy cơ mất việc và giảm thu nhập tại các doanh nghiệp là hiện hữu, đặc biệt tại các doanh nghiệp có nguồn lực tiền mặt hạn chế và các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch; (ii) sự suy giảm các hoạt động giao thương liên khu vực (á – âu); (iii) các quốc gia gắn chính sách tiền tệ với đồng đô la cũng có thể đối mặt với nợ nước ngoài gia tăng; (iv) sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và sự hạn chế trong di chuyển lao động quốc tế; (v) những khó khăn trong khâu hậu cần, vận chuyển hàng hóa do các lệnh phong tỏa và cấm nhập.

 

Các quốc gia chia sẻ Chính phủ các nước đều thông qua các gói cứu trợ cho doanh nghiệp và khởi động môi trường đầu tư trong các chiến lược thoát phong tỏa và giãn cách xã hội, mức độ là khác nhau tại mỗi quốc gia.

 

Trong phát biểu của mình, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ thông tin tới các diễn giả tình hình khống chế dịch rất thành công và kịp thời của Việt Nam với việc liên tiếp trong nhiều ngày không ghi nhận các ca nhiễm mới và tỷ lệ tử vong bằng 0 so với nhiều nước trong khu vực. Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cũng nhấn mạnh với cương vị là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến. Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã tổ chức 2 phiên họp ngày 20/2 và sáng 9/4/2020 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác ứng phó dịch bệnh.

 

Khi được hỏi về khả năng liệu các dòng vốn đầu tư từ Đức có chiều hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc về Đức hoặc sang các nước châu Á khác không, các diễn giả Đức cho rằng việc dịch chuyển là một vấn đề lớn do nó liên quan đến cả việc dịch chuyển cả nhân lực và vật lực, và đại dịch cũng chưa đến hồi kết. Điều các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp Đức tại châu Á hướng đến là nỗ lực không để một doanh nghiệp nào bị phá sản sau đại dịch.

 

Tọa đàm diễn ra trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ đã giúp các quốc gia và người tham dự có được bức tranh rõ nét hơn về tình hình dịch bệnh tại mỗi khu vực cũng như các rủi ro cộng đồng doanh nghiệp các bên có thể phải đối mặt và ứng phó thời kỳ hậu Covid.

 

35