Diễn đàn Giáo dục và Đào tạo nghề ASEAN – Đức lần thứ nhất đã diễn ra ngày 2/3 tại thành phố Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức với mục tiêu trọng tâm là duy trì và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề giữa các bên.

 

 

Diễn đàn do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á – Thái Bình Dương (OAV), sáng kiến Quảng bá Quốc tế cho Giáo dục và Đào tạo nghề (iMove) thuộc Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) và Phòng Thương mại Hamburg phối hợp tổ chức. Diễn đàn được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức bảo trợ.

 

Nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm về lĩnh vực đào tạo nghề của Đức, một số Đại sứ và đại diện Đại sứ quán các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Đức đã tham dự diễn đàn. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cùng đại diện Bộ Công Thương.

 

Trong nhiều năm qua, các nước ASEAN và Đức đã hợp tác trong nhiều dự án khác nhau về giáo dục và đào tạo. Diễn đàn lần này là một sáng kiến nhằm giúp các chuyên gia thảo luận và tìm kiếm các cơ hội hợp tác, qua đó duy trì và mở rộng các quan hệ trong lĩnh vực đào tạo nghề giữa các nước ASEAN và Đức.

 

Qua ba phiên thảo luận với các chủ đề “Sự phát triển và triển vọng – Sáng kiến giáo dục tại ASEAN và sự tham gia của ngành công nghiệp vào đào tạo nghề”, “Thành công của việc hợp tác ASEAN – Đức trong lĩnh vực đào tạo nghề” và “Triển vọng hợp tác ASEAN – Đức”, các đại biểu đã đánh giá về công tác phối hợp giữa Đức và ASEAN trong thời gian qua, đồng thời tập trung thảo luận các sáng kiến giáo dục và thúc đẩy các dự án đào tạo nghề giữa các bên trong thời gian tới.

 

Một trong những điểm nhấn quan trọng tại diễn đàn là sự tham gia của các công ty sử dụng nhân lực lao động vào công tác đào tạo nghề. Bài toán so sánh về lợi ích và chi phí trong lĩnh vực đào tạo nghề đối với các ngành công nghiệp đã được đặt ra và thảo luận, cho thấy tầm quan trọng và hiệu quả của việc các công ty sử dụng nhân lực trực tiếp tham gia cùng các trường đào tạo nghề vào công tác đào tạo nghề.

 

Tại Đức, hệ thống đào tạo nghề “kép” đã được xây dựng và phát triển rất thành công. Đó là sự kết hợp giữa việc học nghề tại trường đào tạo nghề và thực hành trong môi trường thực tế tại doanh nghiệp, nhờ đó người học được tập trung cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế bên cạnh kiến thức lý thuyết cơ bản. Các chuyên gia tại diễn đàn đều đánh giá, đây là mô hình tốt cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN.

Phát biểu và trả lời các câu hỏi trong phiên thảo luận với chủ đề “Triển vọng Hợp tác Đức – ASEAN”, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cho biết với chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài cùng với kinh tế phát triển mạnh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đức đến Việt Nam hợp tác làm ăn trên nhiều lĩnh vực. Đây là một trong những cơ sở quan trọng cho việc hợp tác giữa Việt Nam và Đức, trong đó có lĩnh vực đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, nhu cầu về đào tạo nghề, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ cao, của Việt Nam hiện tại rất lớn nhờ lực lượng dân số trẻ, số lượng lao động dồi dào trong khi việc đào tạo chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó, Việt Nam cũng như các nước ASEAN và Đức, nơi có hệ thống đào tạo nghề tốt đã được kiểm chứng, có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy việc hợp tác trong lĩnh vực này.

Cũng trong ngày 2/3, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á – Thái Bình Dương (OAV) và Phòng Thương mại Hamburg đã tổ chức sự kiện Liebesmahl lần thứ 98, nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng đối với các doanh nghiệp Đức cũng như đối với kinh tế của bang Hamburg. Hoạt động thường niên này là nơi khoảng 350 khách mời trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và ngoại giao gặp gỡ và trao đổi các cơ hội hợp tác và kinh doanh.
(Nguồn: Phạm Thắng (TTXVN tại CHLB Đức)