Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel hồi tháng 10 vừa qua, Việt Nam và Đức đã ra Tuyên bố chung Hà Nội với quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Để cụ thể hóa các cam kết giữa hai nước, tại Phiên đàm phán về Hợp tác phát triển giữa hai nước vừa qua, Chính phủ Đức đã cam kết tài trợ 288,2 triệu euro cho Việt Nam để thực hiện các dự án hợp tác phát triển song phương trong 2 năm tới, và 1 triệu euro để khắc phục thiệt hại do luõ lụt gây ra và công tác phòng chống lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long.

 

Theo Đại sứ Claus Wunderlich, Chính phủ Đức xác định Việt Nam là đối tác số 1 trong ưu tiên hợp tác phát triển của Đức tại Đông Nam Á. Nguồn vốn tài trợ lần này của Đức sẽ tập trung vào 3 trụ cột trong hợp tác phát triển giữa hai nước trong các năm tới, gồm hợp tác trong việc ứng phó với biến đối khí hậu, trong đó phía Đức sẽ cùng với Việt Nam hướng đến chiến lược phát triển xanh. Lĩnh vực hợp tác thứ hai là phát triển kinh tế bền vưõng thông qua việc hợp tác đào tạo nghề. Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế, nhất là tập trung cho y tế cộng đồng.

 

Năm 2010, Đức cũng đã tài trợ cho Việt Nam 283,8 triệu euro vốn ODA, cao gấp đôi các năm trước đó. “Năm 2011, dù kinh tế châu Âu nói chung và Đức nói riêng đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lượng vốn ODA mà Đức cam kết hỗ trợ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Điều đó khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược hợp tác phát triển đối với Đức”, bà Brunhilde Vest, Vụ trưởng Vụ Chính sách Phát triển Khu vực, (Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức) Đông Nam Á khẳng định thêm.

 

Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua một số dự án tiền khả thi và đề xuất hợp tác với đối tác Việt Nam như năng lượng gió, nhà máy điện sử dụng khí và hơi nước…, phía Đức cũng hy vọng sẽ giúp Việt Nam tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc.

 

Cụ thể, Đức tiếp tục dành khoản vay ưu đãi 130 triệu euro cho một dự án nhà máy điện sử dụng hỗn hợp khí và hơi nước tại Cần Thơ (năm 2010 đã nhận 200 triệu euro), với lãi suất không quá 3%/năm. Ngoài ra, Đức cũng chi 35 triệu euro cho một dự án phong điện tại miền Trung, hiện đang trong giai đoạn khảo sát tiền khả thi.

 

Về đào tạo nghề, bà Brunhilde Vest cho biết, Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác cải cách cũng như việc hỗ trợ hoàn thiện các cơ sở đào tạo nghề thí điểm có sự liên kết với các doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là một chủ đề của Hội nghị đào tạo nghề của khu vực Đông Nam Á do Đức tài trợ, dự kiến sẽ được tổ chức vào mùa thu năm 2012 tại Việt Nam.

 

“Đặc biệt, trong năm 2012 chúng tôi sẽ dành 18 triệu euro (một phần không hoàn lại và một phần lãi suất ưu đãi) để hỗ trợ xây dựng Trung tâm đào tạo nghề LIAMA 2 thành một trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, không chỉ của Việt Nam mà cả của khu vực. Trong đó, chúng tôi sẽ cố gắng thu hút nhiều sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam”, bà Brunhilde Vest chia sẻ.

 

Đầu tư vào y tế trong năm tới sẽ nhận được khoản viện trợ không hoàn lại 32,4 triệu euro cho 5 tỉnh: Yên Bái, Thanh Hoá, Phú Yên, Nghệ An và Thái Bình. Trong đó, tập trung cải thiện quản lyù tại các bệnh viện địa phương; cung cấp trang thiết bị y tế và nâng cao chất lượng bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh./.