QUAN HỆ VIỆT NAM – CHLB ĐỨC

—–

I.  CHÍNH TRỊ – NGOẠI GIAO

Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Hai nướcthường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, tạo động lực thúc đẩy hợp tác. Gần đây nhất có: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc[1] (7/2017); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (2/2019) thăm Đức. Đoàn Đứcthăm Việt Nam có Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier (10/2016); Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Peter Altmaier (03/2019).

Về quan hệ đảng:Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) có cơ chế đối thoại lý luận thường niên, tổ chức luân phiên tại hai nước. Đối thoại lý luận lần thứ 5 đã diễn ra vào ngày 15/11/2016 tại Hà Nội và lần 6 diễn ra từ 2 – 7/7/2017 tại Berlin. Với Đảng cánh tả, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành Đối thoại lần thứ hai tại Đức tháng 4/2019.

II. THƯƠNG MẠI – ĐẦU TƯ

Hai nước đã ký nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không.

          – Thương mại:

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu, kim ngạch hai chiều năm 2018 đạt trên 10 tỷ đô-la Mỹ (tăng 1 tỷ USD so với năm 2017, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu). Việt Nam xuất khẩu sang Đức chủ yếu là điện thoại và linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, cà phê, nông thủy sản… và nhập từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, ô tô, hóa chất, dược phẩm, các sản phẩm sữa.[2]

Đức có vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.

          – Đầu tư:

Tính đến 20/07/2019, Đức có 338 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,01 tỷ USD, đứng thứ 4 trong EU[3] và thứ 18/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam[4].

Hầu hết các dự án của Đức tập trung vào: (i) lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 104 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 886,18 triệu USD; (ii) lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí với 8 dự án có tổng vốn đăng ký 704,38 triệu USD; (iii) lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa với 68 dự án và tổng vốn đầu tư 208,26 triệu USD. Tiếp theo là các dự án trong ngành cấp nước và xử lý chất thải, tài chính ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ăn uống… Vốn đầu tư của Đức tập trung vào: (i) hình thức 100% vốn nước ngoài với 246 dự án với tổng vốn đầu tư 1,47 tỷ USD, chiếm 74,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; (ii) hình thức liên doanh chiếm với 72 dự án có tổng vốn đầu tư 492,57 triệu USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư đăng ký; (iii) còn lại là hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Các dự án của Đức phân bố tại 37 tỉnh, thành phố của cả nước, hầu hết tập trung ở các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Đồng Nai (với 9 dự án có tổng vốn đầu tư là 301,4 triệu USD), Thành phố Hồ Chí Minh (157 dự án với tổng vốn đầu tư 292,93 triệu USD), kế đến là Ninh Thuận, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Nội v.v….

Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam. Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đang đầu tư tại Việt Nam như: Siemens (thiết bị, y tế), B.Braun (thiết bị y tế), Messer (khí hóa lỏng phục vụ luyện kim), Mercedes-Benz (ô tô), Bilfinger (tư vấn, thiết kế), Bosch (chế tạo máy), Deutsche Bank (ngân hàng), Allianz (bảo hiểm)…

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 30 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư đạt 120,6 triệu USD, đứng thứ 17/74 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư sang. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bán buôn bán lẻ – ô tô, xe máy, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, thương mại…

III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN

Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Ngoài các hình thức thực hiện chương trình và dự án song phương truyền thống với đối tác chính là Bộ Hợp tác phát triển (BMZ), Chính phủ Đức đã cam kết hỗ trợ Việt Nam thông qua một số chương trình hợp tác khác như vốn không hoàn lại từ Quỹ Năng lượng và Khí hậu (EKF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và các khoản vay phát triển thuộc Chương trình Sáng kiến về khí hậu và bảo vệ môi trường IKLU (điều kiên tài chính sơ bộ: thời gian trả nợ từ 12 -15 năm, ân hạn có thể đến 3 năm, lãi suất từ 2-3%/năm).

Kể từ năm 2013, hai bên đã cùng thống nhất thay đổi các lĩnh vực ưu tiên hợp tác ODA sang 03 lĩnh vực mới trên cơ sở thế mạnh của hai bên, đó là: (i) năng lượng; (ii) đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế bền vững; và (iii) chính sách môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ Đức đã cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA[5] hơn 600 triệu Euro trong giai đoạn 2015 – 2017 để thực hiện các dự án trong 3 lĩnh vực hợp tác ưu tiên trên.

Ngoài ra, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề, đã hỗ trợ Bộ LĐTBXH xây dựng chiến lược dạy nghề quốc gia, soạn thảo Luật Dạy nghề cũng như xây dựng các trường dạy nghề kiểu mẫu ở một số địa phương theo mô hình đào tạo nghề song hành rất thành công của Đức.

Trong khuôn khổ chương trình “Make it in Germany” về hợp tác lao động quốc tế của Đức, giai đoạn 2013 – 2015, Việt Nam đã triển khai thí điểm đưa điều dưỡng viên sang Đức đào tạo và làm việc (hợp đồng 3 năm sau khi tốt nghiệp đào tạo tại Đức). Tiếp nối thành công của chương trình này, phía Đức đã quyết định mở rộng tiếp nhận điều dưỡng viên Việt Nam sang Đức với số liệu: năm 2017 – 154 người; năm 2018 – 187 người; năm 2019 đã tuyển chọn 391 người, hiện đang học tiếng tại Việt Nam để đưa sang Đức.

Một số dự án lớn sử dụng ODA của Chính phủ Đức là: Xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2 tại Tp Hồ Chí Minh; Nhà máy điện gió Phú Lạc 1[6]

IV. CÁC LĨNH VỰC KHÁC

- Văn hóa: Năm 1990, Việt Nam và Đức ký Hiệp định Hợp tác văn hoá tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi văn hóa giữa hai nước. Năm 1997, Đức thành lập Trung tâm Văn hóa Đức (hay còn còn gọi là Viện Gớt) tại Hà Nội. Đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa Đức và giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam. Trong những năm lại đây, các hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật giữa hai nước diễn ra rất sôi động. Đức hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số dự án về bảo tồn, phục chế các di sản văn hóa tại cố đô Huế; dự án “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” được Ngoại trưởng bạn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo trợ.

          – Hợp tác giáo dục và đào tạo:

Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 4600 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực triển khai Chương trình đào tạo 85 nghiên cứu sinh/năm tại bang Hessen của Đức.

Dự án “hải đăng” của hai nước trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo là trường Đại học Việt- Đức, được thành lập từ tháng 9/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo mô hình của đại học Đức, với sự hỗ trợ tích cực của bang Hessen (Đức) và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD). Trường đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt xây dựng thành trường đại học tiêu biểu xuất sắc có trụ sở tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với nguồn vốn vay trị giá khoảng 200 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, dự án đã khởi công xây dựng vào tháng 10/2016. Ngày 19/6/2017, Chính phủ Việt Nam đã thông qua quy chế tổ chức và hoạt động mới cho trường nhằm đảm bảo tính tự chủ cần thiết trong hoạt động giảng dạy cũng như vận hành trường.

Trong khuôn khổ Chương trình dạy tiếng Đức là ngoại ngữ thứ hai là sáng kiến của Bộ Ngoại giao Đức, phía Đức cũng hỗ trợ các cơ sở đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam về trang thiết bị đào tạo, cung cấp giáo viên bản ngữ và cấp học bổng cho giáo viên cũng như các sinh viên, học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc. Ngày 21/01/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 240/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Đức – ngoại ngữ 2 theo “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”. Đến nay, thành phố Hà Nội đã có một số trường đưa bộ môn tiếng Đức vào giảng dạy.

          - Hợp tác tư pháp – pháp luật:

Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này khởi đầu từ năm 1996. Năm 2008, Chính phủ hai nước đã ký Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật. Trên cơ sở Tuyên bố chung, Bộ Tư pháp hai nước đã ký kết các văn kiện và triển khai Chương trình Đối thoại về Nhà nước pháp quyền cho các giai đoạn 2009 – 2011, 2012 – 2014 và 2015 – 2018. Trong khuôn khổ các chương trình này, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát… đạt kết quả thiết thực, góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính, tư pháp của Việt Nam. Sau một thời gian gián đoạn, hiện nay Bộ Tư pháp hai nước đang đàm phán ký Tuyên bố chung triển khai Chương trình Đối thoại về Nhà nước pháp quyền cho giai đoạn 2019 – 2022.

- Du lịch: Đức được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng nhất của du lịch Việt Nam với số lượng trên dưới 100.000 lượt khách/năm thăm Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2015 đạt 149.079 lượt khách; năm 2016, đạt 176.000 lượt người, tăng 18% so với năm 2015; năm 2017 đạt 199.000 lượt người; năm 2018 đạt 213.986 người, tăng 7% so với năm 2017.

Từ ngày 1/7/2015, Việt Nam đã thí điểm miễn thị thực cho công dân Đức thăm Việt Nam trong thời gian 15 ngày.

- Khoa học công nghệ:

Trước năm 1995, hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và CHLB Đức được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Quỹ khoa học trẻ Alexander & Humboldt, Quỹ đào tạo chuyên gia trong ngành công nghiệp (CDG), Quỹ phát triển (DSE)…

Việt Nam và Đức đã ký Nghị định thư hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức năm 1997; Ý định thư hợp tác về Khoa học – Công nghệ năm 2012 và Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác Khoa học và Công nghệ năm 2015 (hiệp định có hiệu lực từ ngày 20/3/2017). Hai bên cũng thiết lập Tổ công tác liên Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF), trao đổi đoàn luân phiên được 5 lần. Sau khi hai nước ký Hiệp định hợp tác KHCN, tổ công tác liên Bộ được nâng cấp thành Ủy ban hỗn hợp về khoa học công nghệ.

          – Quốc phòng:

Quan hệ hợp tác về quốc phòng hai nước có những bước phát triển tích cực trong những năm qua. Từ 2003, Việt Nam cử Tùy viên Quốc phòng tại Berlin và Đức cử Tùy viên Quốc phòng tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam. Trong chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà (10/2004), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ đào tạo quân nhân Việt Nam tại Đức. Hàng năm, một số sỹ quan quân sự Việt Nam đã tham gia các khóa huấn luyện tại các cơ sở quân đội của Đức. Kể từ năm 2019, Đức chính thức cử Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Việt Nam.

- Hợp tác với các bang của Đức

Bên cạnh quan hệ với Việt Nam ở cấp Chính phủ, các bang ở Đức rất chủ động tăng cường hợp tác với Việt Nam. Đến nay, ta đã đón nhiều Lãnh đạo các bang của Đức sang thăm Việt Nam như Thủ hiến các bang Brandenburg (2005), Bayern (2007), Mecklenburg-Vorpommern (2007), Baden – Württemberg (2010), Sachsen (2011), Hessen (2008, 2012), Berlin (2013), Hamburg (2017), Thüringen (2019). Hiện nay nhiều bang của Đức đã thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với Việt Nam hoặc với các địa phương của Việt Nam.

VI. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI ĐỨC

Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có 176.000 người[7] (gồm 1600 doanh nghiệp), trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức . Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ.

Tại Đức, các hình thức tập hợp hội đoàn của người Việt khá đa dạng như Hội người Việt Nam, Hội Đức – Việt, các hội đồng hương, câu lạc bộ thơ – văn, nhiếp ảnh, tổ chức xã hội từ thiện… Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức (hơn 50% học sinh đỗ trung học hạng ưu, nhiều em là thành viên các đội tuyển học sinh xuất sắc của Đức như toán, võ thuật, thơ, văn, nhạc…). Hiện nay, có một số bang của Đức đã tạo điều kiện thí điểm đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy phổ thông như bang Brandenburg, Berlin, Sachsen và Sachsen Anhalt.

      Tháng 10/2019



[1] Trong chuyến thăm hai nước đã ký kết được 36 văn bản, trị giá gần 4 tỷ euro.

[2] Nguồn: Tổng cục Hải quan.

[3] Sau Hà Lan; Vương Quốc Anh và Pháp.

[4] Nguồn: Tổng cục Thống kê.

[5] Tổng hợp các cam kết tại kỳ họp đàm phán về hợp tác phát triển giữa Chính phủ Việt Nam và Đức vào tháng 5/2015, tháng 5/2017 và cam kết năm 2016 theo đường công hàm (Công hàm số 562 ngày 22/12/2016 và số 563 ngày 27/12/2016).

[6] Nguồn: Bộ KHĐT.

[7] Số liệu từ phía Đức.