Việt Nam – Đức: Mối quan hệ của tương lai

(Bài viết của Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cho Đặc san Báo Thế giới và Việt Nam nhân dịp 45 năm ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức)


Cơ duyên đặc biệt

 

Mặc dù không có điều kiện học tập ở Đức, nhưng nước Đức lại chiếm vị trí đặc biệt trong cuộc đời ngoại giao của tôi. Hiệp định đầu tiên mà tôi trực tiếp chuẩn bị và tham gia đàm phán là Hiệp định nhận trở lại công dân giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức ký vào năm 1995.

 

Tháng 5/2007, lần đầu tiên tôi đến công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức với chức danh Tham tán Công sứ. Thời điểm nhận nhiệm vụ tại Đức cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khi lần đầu tiên nước Đức có một nữ Thủ tướng đến từ Đông Đức nắm quyền và cũng chính người phụ nữ này chỉ sau hai năm cầm quyền (2005-2007) trở thành nhà lãnh đạo dành được sự ủng hộ cao nhất của người dân Đức.

 

Nước Đức đón tôi lần đầu với sự bình yên vốn có và các con phố, tòa nhà nằm ngay ngắn, trật tự như chính tính cách của con người Đức. Không giống như vẻ nguy nga, cổ kính như tôi đã biết về nước Nga và theo những hình dung thông thường của tôi về châu Âu, Berlin không có những nét đẹp châu Âu điển hình bởi đây vốn là một thành phố với nhiều vết cắt của lịch sử sau các cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.

 

Berlin của một nước Đức thống nhất đã khôi phục mạnh mẽ sau đống hoang tàn của các cuộc chiến tranh, vươn lên với các công trình xen lẫn truyền thống và hiện đại, vững chãi,  không hào nhoáng nhưng rất yên bình, ngay ngắn và sạch đẹp.

 

Thời điểm đó, quan hệ hợp tác hai nước phần lớn tập trung vào quan hệ chính trị – ngoại giao và hợp tác phát triển. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2007 còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 3 tỷ đô la Mỹ, các dự án đầu tư của Đức chưa  nhiều (71 dự án), chủ yếu dưới hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT).

 

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Đức, đánh dấu quan hệ hai nước được nâng lên một tầm cao mới khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Angela Merkel nhất trí xây dựng quan hệ Việt Nam – Đức trở thành đối tác hợp tác vì sự phát triển bền vững.

 

Quan hệ hợp tác được mở rộng hơn trong các lĩnh vực thương mại – đầu tư, giáo dục,  tư pháp – pháp luật, hạ tầng cơ sở. Cũng trong giai đoạn này, Đại sứ quán có thêm các bộ phận  xúc tiến đầu tư và hợp tác về khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực này.

 

Chúng tôi rất vui mừng vì những nỗ lực của Đại sứ quán để thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian này đã được hiện thực hóa khi hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tại Tuyên bố Hà Nội  khi Thủ tướng Angela Merkel lần đầu tiên thăm Việt Nam (tháng 10/2011).

 

Cuối năm 2018, tôi vinh dự được trở lại Berlin nhận nhiệm vụ là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại CHLB Đức. Điều làm tôi phấn khởi hơn nữa là quan hệ hai nước đã có những bước tiến vượt bậc so với nhiệm kỳ trước.

 

 

Phát triển sôi động và mạnh mẽ

 

Kể từ thời điểm đặt chân đầu tiên tới Đức năm 2007 khi một số ít công ty Đức hiện diện tại Việt Nam, thì nay con số này đã đạt hơn 300 và tôi hy vọng con số này ngày càng gia tăng khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020; cộng đồng người Việt lúc đó mới gần 100.000 người nay đã lên đến gần 200.000 người; các hàng quán Việt Nam hiện diện ở khắp Berlin nói riêng và trên toàn Đức nói chung.

 

Các dự án hải đăng trong quan hệ hai nước mà chúng tôi cố gắng thúc đẩy khi tôi công tác nhiệm kỳ đầu ở Đức đã được triển khai mạnh mẽ, trong đó Đại học Việt – Đức đã đi vào hoạt động được hơn 10 năm, đào tạo hàng nghìn sinh viên, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Ngôi nhà Đức tại TP Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động từ năm 2019, trở thành biểu tượng của nước Đức tại Việt Nam; dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP Hồ Chí Minh chuẩn bị được triển khai.

 

Năm 2019, năm đầu trong nhiệm kỳ công tác Đại sứ của tôi tại Đức, chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa hai nước. Ngay đầu năm 2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đi thăm Đức với kết quả nổi bật là hai bên đã nhất trí làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược.

 

Sau đó đã diễn ra hàng loạt chuyến thăm Đức của Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phước, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy, lãnh đạo nhiều địa phương của Việt Nam.

 

Về phía Đức, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Christian Lange, Thủ hiến Bang Thuringia Bodo Ramelow, các Bộ trưởng, Quốc vụ khanh nhiều bang của Đức, các đoàn Quốc hội Đức cũng đã đi thăm Việt Nam trong năm 2019.

 

Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2019 theo số liệu của phía Đức là 15,7 tỷ USD. Cuối năm 2019, hai nước đã thông qua Kế hoạch hành động Đối tác chiến lược cho giai đoạn mới 2019-2021. Có thể thấy, quan hệ hai nước đã được thúc đẩy một cách toàn diện hơn, trải đều trên các lĩnh vực từ chính trị – ngoại giao đến kinh tế, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, môi trường…; từ hợp tác trung ương, các bộ, ngành đến các địa phương.

 

 

Kỳ vọng mới

 

Năm 2020 bắt đầu với những sự kiện rất vui mừng cho quan hệ hai nước, đó là việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Việt Nam, được kỳ vọng tạo động lực và cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu nói chung cũng như Đức nói riêng trong việc thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa hai bên; Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Petra Pau tham dự Tết Cộng đồng 2020 và Lễ Khai mạc Năm kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt – Đức.

 

Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành liên quan và các hội, đoàn người Việt Nam ở Đức lên một chương trình gồm hàng loạt các hoạt động để kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

 

Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã cản trở việc tiến hành các hoạt động này. Trong bối cảnh đó,  vai trò của những người bạn hữu lâu năm và sự đoàn kết, chia sẻ càng phát huy giá trị hơn bao giờ hết khi thực tế cho chúng ta thấy không một quốc gia nào có thể đơn lẻ chống chọi lại thách thức do đại dịch mang đến. Chính trong lúc khó khăn, Việt Nam và Đức vẫn sát cánh cùng nhau chống chọi và hỗ trợ nhau trong dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Đức trao tặng khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế cho Chính phủ và nhân dân Đức, trong khi đó phía Đức phối hợp với Việt Nam trong việc nghiên cứu các mẫu bệnh phẩm, cung cấp các học bổng trao đổi phương thức phòng chống dịch…

 

Việt Nam và Đức tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, chung tay thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, đặc biệt trong năm 2020 khi cả hai nước đảm nhận các trọng trách trên các diễn đàn đa phương và khu vực: cả hai nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Đức là Chủ tịch Liên minh châu Âu trong 6 tháng cuối năm 2020.

 

Mối quan hệ Việt Nam – Đức, nếu nói ngắn gọn, tôi sẽ gọi đó là mối quan hệ của tương lai dựa trên nền tảng lịch sử tốt đẹp, đó không chỉ là mối quan hệ dựa trên lợi ích kinh tế – thương mại – đầu tư, mà  còn là sự tiếp nối tình cảm, sự tri ân của nhiều thế hệ người Việt dành cho nước Đức trước đây và bây giờ, là tình cảm sâu sắc và sự chia sẻ của nhiều thế hệ người Đức dành cho Việt Nam.

 

Tôi tin chắc chắn rằng, với cầu nối con người vững chãi trải qua thời gian, hai quốc gia, hai dân tộc sẽ cùng sát cánh vun vén, duy trì và tăng cường hơn nữa các mặt hợp tác trong thời gian tới.

 

Nguyễn Minh Vũ – Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức